Lược sử ra đời và phát triển của sách

  • 25/07/2018
  • 1632
  • 0
Tìm hiểu nguồn gốc của sách

I. Giới thiệu

 

Sách là một tập gồm nhiều tờ giấy được đóng lại với nhau, có chứa văn bản, minh họa, bản nhạc, ảnh hoặc các dạng thông tin khác. Các trang được khâu hoặc dán lại với nhau ở một phía và được đóng bìa cứng hoặc bìa mềm. Do đặc tính tương đối bền và dễ mang theo, sách được sử dụng từ nhiều thế kỷ nay để lưu giữ và phổ biến thông tin.
Một trang trong cuốn sách Kelmscott Chaucer, được nhà xuất bản Kelmscott (thuộc công ty William Morris) xuất bản năm 1896. Việc trình bày sách của Morris chịu ảnh hưởng bởi các văn bản thời kỳ Trung cổ. Tuy nhiên, trên thực tế, cách trình bày và lối trang trí hoa lá là nguyên bản của Morris. Người minh hoạ cuốn sách này là Edward Burne-Jones.
 

Một cuốn sách vừa đủ nhỏ gọn để đem theo nhưng nó lớn hơn một cuốn sách mỏng (pamphlet), thường chỉ có một vài trang giấy. Các cuốn sách có thể là một phần trong một tùng thư (1) nhưng chúng khác báo và tạp chí ở chỗ chúng không được xuất bản định kỳ hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng. Không giống như nhật ký cá nhân, có thể ở dạng thức một cuốn sách, sách thường nhằm mục đích luân chuyển rộng rãi trong công chúng.

Thuật ngữ “sách” (book) được dùng nhằm mở rộng thuật ngữ “các cuộn giấy” (scrolls) dùng trong thời kỳ cổ đại, mặc dù chúng không thật giống với hình thức một cuốn sách ngày nay. Theo nghĩa thuộc lĩnh vực biên tập, từ “sách” còn được dùng để chỉ một số tác phẩm văn học cổ đại (như “Sách về người chết” của người Ai Cập) hoặc các bộ phận chính của một tác phẩm văn chương (như các sách về kinh thánh).

Nửa cuối thế kỷ XX, các tiến bộ về công nghệ đã mở rộng định nghĩa về sách, bao hàm trong đó cả sách âm thanh (audiobook), sách điện tử (electronic book hay e-book). Sách âm thanh là các bản ghi âm được lưu trên băng cassette, đĩa quang hoặc các chương trình máy tính có thể tải xuống được. Sách điện tử là các thiết bị máy tính hoá có thể mang theo được, cho phép người đọc có thể tải văn bản xuống, đọc hoặc đánh dấu văn bản đó. Thuật ngữ sách điện tử (e-book) còn được sử dụng để chỉ khái niệm sách phi giấy (paperless book) bất kể chúng được đọc bằng một thiết bị e-book chuyên dụng, máy hỗ trợ kỹ thuật số cá nhân PDA (2), một máy tính văn phòng hay máy tính xách tay.

II. Sách viết tay

Hình thức đầu tiên của sách là các tấm đất sét được khắc chữ bằng một dụng cụ viết gọi là bút trâm (3), được người Sumer, người Babylon và người vùng Lưỡng Hà cổ xưa sử dụng. Hình thức gần gũi hơn với sách ngày nay đó là các cuộn sách (book roll) hay các cuộn giấy (scroll) của người Ai Cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại. Những cuộn giấy này bao gồm các tờ giấy papyrus, loại vật liệu giống như giấy được làm từ lõi cây sậy nghiền nhỏ mọc ở vùng châu thổ sông Nile, được làm thành một dải liên tục và cuộn lại quanh một cây gậy. Dải giấy có chữ viết (bằng bút cũng làm từ cây sậy) thành những dòng hẹp và sát nhau trên một mặt giấy. Khi đọc, dải giấy cuộn được trải ra. Các cuộn giấy papyrus có độ dài không giống nhau. Cuộn giấy dài nhất còn lại đến ngày nay được bảo quản trong Bảo tàng Anh (4) ở London, dài 40,5m. Sau đó, trong suốt thời kỳ Hy Lạp cổ (thế kỷ thứ IV đến thế kỷ I tr.CN), các cuộn sách dài được chia nhỏ thành các cuộn ngắn hơn, khoảng 10m, và cùng được bảo quản trong một vật đựng.

Các cuộn giấy được bao bọc lại và gắn nhan đề, tên tác giả. Những người chép thuê chuyên nghiệp sao chép lại các tác phẩm bằng cách sao chép lại văn bản hoặc chép chính tả. Athens, Alexandria và Rome là những trung tâm sản xuất và xuất khẩu sách lớn trên toàn thế giới thời kỳ cổ đại. Tuy nhiên, việc chép sách bằng tay một cách thủ công mất rất nhiều thời gian và chi phí rất đắt; sách cũng chủ yếu thuộc sở hữu của các đền miếu, của vua chúa hay những người giàu có. Vào thời kỳ này và trong nhiều thế kỷ sau đó, hầu hết mọi người đều học bằng cách lắng nghe bài giảng hoặc các câu chuyện và học thuộc lòng chúng nếu cần.

Mặc dù giấy papyrus rất dễ làm, không tốn kém và có bề mặt viết rất tốt nhưng nhược điểm của nó là giòn, dễ gãy. Ở những vùng có khí hậu ẩm ướt, nó sẽ bị phân huỷ trong vòng không đầy 100 năm. Chính vì vậy, phần lớn các tác phẩm và sách thời kỳ cổ đại đã bị mất mát hoàn toàn. Giấy bằng da (parchment, vellum) (da động vật được làm đặc biệt) không có những nhược điểm này. Người Ba Tư, người Do Thái và người thuộc vùng Trung Đông cổ đại, nơi không có cây papyrus, trong hàng thế kỷ, đã sử dụng những cuộn giấy bằng da thuộc và chưa thuộc. Việc sản xuất giấy da đã được vua Pergamum - Eumenes II cải tiến vào thế kỷ thứ II tr.CN. Sau đó, việc sử dụng loại giấy này đã tăng lên rất nhiều. Vào thế kỷ VI sau CN, giấy da đã trở thành phương tiện để viết thay thế gần như hoàn toàn cho giấy papyrus.

A. Sách chép tay ban đầu (The early codex)

Thế kỷ XIX cũng đánh dấu đỉnh cao của một quy trình dần dần, được bắt đầu từ thế kỷ thứ I, trong đó, các cuộn giấy không mấy tiện dụng đã được thay thế bằng các sách chép tay có hình chữ nhật (codex là thuật ngữ Latin dùng để chỉ sách), tổ tiên trực tiếp của sách hiện nay. Sách chép tay ban đầu được người Hy Lạp và La Mã sử dụng nhằm mục đích ghi chép trong kinh doanh hay học tập tại trường học. Đó là các cuốn vở khổ nhỏ, có vòng, với hai hoặc nhiều phiến gỗ bề mặt được phủ sáp mịn, có thể khắc lên bằng bút trâm và dùng lại được nhiều lần. Đôi khi, giữa các phiến gỗ còn được đính thêm những tờ giấy bằng da.

Sau cùng, sách chép tay loại này được làm theo cách gộp nhiều tờ giấy, ban đầu là giấy papyrus và sau đó là giấy da, thành những tập nhỏ được gấp lại ở giữa. Các tập nhỏ được xếp chồng lên nhau và khâu lại với nhau ở chỗ gấp nếp, rồi được buộc vào các tấm ván gỗ bằng dây da. Các cột chữ viết trong sách chép tay rộng hơn trong các cuộn giấy và mỗi trang giấy da đều được bao bọc cả hai phía. Với sách chép tay loại này, độc giả có thể dễ dàng tìm được vị trí của chúng cũng như dễ tra tìm trong sách, nhất là đối với những người thờ cúng trong các buổi tế lễ.

Từ codex là một phần trong nhan đề của các cuốn sách chép tay cổ, nhất là các bản viết tay kinh thánh nổi tiếng. Thí dụ như cuốn “The Codex Sinaiticus” bằng tiếng Hy Lạp, có từ thế kỷ IV, nguồn gốc từ Palestine, hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Anh.

Một trang trong cuốn Codex Borbonicus, có nguồn gốc của người Aztec (ở vùng Bắc Mỹ). Trong đó có hình ảnh của các vị thần của người Aztec, ở giữa bên trái là thần Tezcalipoca; thần Quetzalcoatl dưới dạng một con rắn xanh đang ăn thịt một người. Câu truyện có thể nêu lên tầm quan trọng của sự hi sinh của con người trong tín ngưỡng người Aztec cũng như kể lại truyền thuyết của người Aztec rằng thần Quetzalcoatl, vị thần bị đày ải, một  ngày nào đó sẽ quay lại thống trị người Aztec.

 

B. Sách ở Châu Âu thời kỳ Trung cổ

Vào đầu thời kỳ Trung cổ (khoảng thế kỷ thứ V đến thế kỷ XV), ở châu Âu, sách vẫn chủ yếu do các giáo sĩ viết nhằm dành cho đối tượng là các giáo sĩ khác và cho tầng lớp vua chúa. Phần lớn đó là các đoạn kinh thánh, sách dẫn giải, sách về nghi thức tế lễ, mặc dù cũng có một số bản sao các tác phẩm kinh điển. Các cuốn sách được những người chép thuê viết ra một cách cần mẫn bằng bút lông ngỗng. Họ làm việc trong “scriptoria” (thuật ngữ Latin chỉ “phòng viết sách”) của các tu viện.

Ban đầu, những người chép thuê chỉ sử dụng các lối viết chữ hoa địa phương, một thói quen chịu ảnh hưởng từ các cuộn sách cổ điển. Sau cuộc chấn hưng trong lĩnh vực học tập do hoàng đế triều đại Frank (nước Pháp ngày nay) Charlemagne khởi xướng vào thế kỷ thứ VIII, những người chép thuê đã chuyển sang sử dụng cả chữ hoa và chữ thường, viết theo lối chữ tròn và rõ kiểu triều đại Frank (Carolingian) - lối chữ theo kiểu cổ điển và chính lối chữ này đã tạo nguồn cảm hứng cho những người thợ in thời kỳ Phục hưng (từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII). Tuy vậy, từ sau thế kỷ XII, chữ trong sách trở nên xấu hơn với kiểu chữ màu đen, hẹp, đơn điệu và góc cạnh được viết sít nhau trong những cột chữ hẹp rất khó đọc.

Nhiều cuốn sách thời kỳ Trung cổ được trang trí rực rỡ bằng vàng và các màu sắc khác nhau để mở đầu một phần trong cuốn sách, minh hoạ trong sách hoặc trang trí đường viền sách. Điều này thể hiện rõ từ cuốn Book of Kells (giữa thế kỷ thứ VIII, trường đại học Trinity, Dublin) với lối trang trí cách điệu phức tạp ở khắp cuốn sách, cho tới lối trang trí thanh nhã, tỉ mỉ các khung cảnh của cuộc sống thường nhật trong cuốn Trés riches heures du Duc de Berry (The Book of Hours of the Duke of Berry) (1413 – 1416, Musée Condé, Chantilly, Pháp), một cuốn sách nguyện (sách kinh).
Một trang nằm trong cuốn sách Trés riches heures du Duc de Berry, gia đình Limbourg Brothers tạo ra khoảng năm 1413. Mỗi tháng của năm đều được thể hiện trong cuốn sách, mô tả lại những hoạt động đặc trưng cho mỗi mùa. Trang này miêu tả tháng 4, với các nhân vật thuộc giới quý tộc đang vui thú ở ngoài trời (hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Condé, Chantilly, Pháp).

 

Sách thời Trung cổ có bìa làm bằng gỗ, thường được gia cố thêm bởi một vấu lồi bằng kim loại và được gắn vào các móc. Nhiều bìa sách được đóng bằng da, đôi khi được dát vàng, bạc, men sứ hoặc đá quý. Những cuốn sách đẹp đẽ này thực sự là những tác phẩm nghệ thuật, được những người chép thuê chuyên nghiệp, các hoạ sĩ và những nhà kim hoàn tạo ra vào cuối thời Trung cổ. Sách rất hiếm và quý giá; chúng được đặt mua bởi một tỷ lệ rất nhỏ những người trong xã hội có tiền và biết đọc. (Xem thêm Các bản thảo được trang trí).

C. Sách ở châu Á:

Có lẽ dạng sách ra đời sớm nhất ở châu Á là những thanh tre hoặc thanh gỗ được buộc với nhau bằng dây. Một dạng sách sơ khai khác là các mảnh lụa hoặc giấy, trộn lẫn giữa vỏ cây và cây gai dầu do người Trung Quốc phát minh vào thế kỷ thứ II sau CN. Ban đầu, các mảnh này được viết trên một mặt bằng bút sậy hoặc bút lông và được quấn quanh một thanh trục để tạo thành cuộn. Về sau, người ta còn gấp chúng theo kiểu đàn ác cóc và nối một đầu lại để tạo thành sách. Cuốn sách lại được dán vào một hộp bao giấy mỏng hoặc bọc vải. Các học giả viết sách đã mất rất nhiều công sức để tạo ra nhiều phong cách viết chữ đẹp khác nhau, được coi là một nghệ thuật.   

III. Sách in

Trang đầu của cuốn kinh Phật Jingangjing (Diamond Sutra – Kinh Kim Cương), được in lần đầu tiên từ các ván in khắc gỗ vào năm 868. Trang sách này cho ta thấy sự kết hợp giữa phần minh tranh minh hoạ và phần chữ viết; phần minh hoạ do các hoạ sĩ ẩn danh thể hiện. Kinh Kim Cương là cuốn sách in sớm nhất được biết đến cho tới nay.  

 

Vào thế kỷ thứ VI, việc in bằng ván khắc gỗ đã được phát minh ở Trung Quốc. Cuốn sách đầu tiên được biết đến in theo cách này là bản tiếng Trung Quốc của cuốn Kinh Phật mang tên Kinh Kim Cương, có từ năm 868. Tipitaka, một bộ kinh khác của đạo Phật, có tới 130.000 trang, được in từ khoảng năm 972 đến năm 983. Việc in bằng ván in có thể dùng lại được là phương thức mang lại năng suất cao hơn nhiều so với việc sao chép các tác phẩm bằng tay. Tuy nhiên, phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tạo ra được một tấm ván in và ván in đó cũng chỉ có thể sử dụng để in một tác phẩm mà thôi. Vào thế kỷ XI, người Trung Quốc đã phát minh ra cách in chữ rời. Chữ in có thể sắp xếp theo các trật tự khác nhau để in nhiều tác phẩm khác nhau. Tuy nhiên, họ không sử dụng cách in này nhiều bởi nhiều ký tự trong chữ Trung Quốc không thể in theo kiểu sắp chữ rời được.

Ở châu Âu, việc in sách từ ván khắc gỗ có lẽ được du nhập từ phương Đông. Người ta đã bắt đầu in ấn theo cách này vào cuối thời kỳ Trung cổ. Các cuốn sách được in bằng ván khắc thường là các tác phẩm tôn giáo nặng về minh hoạ và ít chữ.

A. Sách thời kỳ Phục Hưng

Một trang trong cuốn Kinh thánh Gutenberg. Được hoàn thành vào khoảng năm 1450 – 1456, Kinh thánh Gutenberg là cuốn sách đầu tiên được in sau phát minh in chữ rời của Johannes Gutenberg. Với ý định ban đầu là làm thế nào cho giống tác phẩm của những người sao chép bản thảo, cuốn Kinh thánh Gutenberg thiếu số trang, trang nhan đề cũng như các đặc điểm riêng biệt khác. Mặc dù sự kết hợp giữa cách làm giấy và cách in chữ rời đã cho phép tạo ra một khối lượng lớn các cuốn kinh thánh kiểu này, nhưng chỉ còn không đầy 50 bản sách gốc còn lại đến ngày nay. Phần minh hoạ trong trang sách này có lẽ được vẽ bằng tay, mặc dù nhiều bản vẽ đã được in bằng cách sử dụng kỹ thuật khắc gỗ hoặc khắc axit. 

Vào thế kỷ XV, hai tiến bộ kỹ thuật mới đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc sản xuất sách ở châu Âu. Thứ nhất là giấy mà người châu Âu đã học được từ các quốc gia đạo Hồi (vốn dĩ các quốc gia này đã học được cách làm giấy từ Trung Quốc). Thứ hai là việc in bằng các chữ rời kim loại mà người châu Âu đã tự phát minh ra. Mặc dù, có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề ai là người phát minh ra cách in chữ rời, có ý kiến cho rằng đó là của các nhà phát minh người Pháp, người Italia và người Hà Lan, nhưng người ta thường công nhận phát minh này là của người thợ in nước Đức Johannes Gutenberg. Cuốn sách đầu tiên được in theo lối in chữ rời là cuốn Kinh thánh Gutenberg, được hoàn thành vào khoảng năm 1450 – 1456. Những phát minh này đã đơn giản hoá quá trình sản xuất sách và giảm bớt chi phí. Cùng lúc đó, trình độ hiểu biết của công chúng đã được nâng cao đáng kể, một phần do kết quả của sự uyên bác và những khám phá trong thời kỳ Phục Hưng, một phần là do ảnh hưởng từ nguyên lý cải cách đạo Tin lành cho rằng mọi tín đồ đều được phép đọc kinh thánh. Chính vì vậy, vào thế kỷ XVI, không những số lượng tác phẩm mà cả số lượng các ấn bản của chúng đều tăng hết sức nhanh chóng, bên cạnh đó, cũng kích thích sự ham mê đối với sách của công chúng.

Những người thợ in người Ý, vào thời kỳ Phục Hưng thế kỷ XVI, đã hình thành nên những truyền thống vẫn tiếp tục tồn tại trong việc xuất bản sách kể từ thời kỳ đó. Đó là truyền thống sử dụng bìa sách làm bằng vật liệu giấy bồi nhẹ, thường được bọc da, lối maket theo đúng thể thức và dùng kiểu chữ Roman và chữ nghiêng. Các bản khắc gỗ và bản in khắc được sử dụng cho việc in các minh hoạ. Một truyền thống khác là việc lựa chọn khổ sách: khổ folio (khổ hai), khổ quarto (khổ bốn), khổ duodecimo (khổ tám), 16 mo, 24 mo và 32 mo. Những cách lựa chọn này biểu thị số lượng tờ giấy (mà mỗi mặt được tính là một trang) được hình thành sau khi gấp một tờ giấy sách lớn. Theo đó, một tờ giấy được gấp một lần sẽ tạo thành hai tờ (4 trang), và một cuốn sách được làm từ những tờ giấy gấp theo cách này được gọi là folio (sách khổ hai). Một tờ giấy được gấp hai lần sẽ tạo thành bốn tờ (8 trang), và cuốn sách được làm từ những tờ giấy gấp theo cách này được gọi là quarto (sách khổ bốn). Các nhà xuất bản ở châu Âu hiện nay vẫn còn sử dụng những thuật ngữ này.

Sách thời kỳ Phục Hưng cũng hình thành nên thông lệ có trang nhan đề, lời nói đầu hoặc lời giới thiệu. Dần dần, người ta thêm vào các phần như: mục lục, danh sách các minh hoạ, chú thích, thư mục và bảng tra.

B. Thế kỷ XIX và thế kỷ XX

Kể từ sau cuộc cách mạng công nghiệp, việc xuất bản sách được cơ khí hoá cao. Việc sản xuất giấy, đưa vào các loại bìa giấy và bìa vải, các máy in trục lăn tốc độ cao, kiểu in sắp chữ đúc cơ khí, sắp chữ bản in chụp, sao chụp lại cả phần văn bản và minh hoạ đã cho phép ngành xuất bản của thế kỷ XX cho ra đời một khối lượng sách khổng lồ với giá thành tương đối thấp. Chủ đề của các cuốn sách thật sự đã trở nên phổ biến.

IV. Những thay đổi về công nghệ

 

Sách điện tử (e-book): Khái niệm về sách điện tử phi giấy đã trở thành hiện thực vào những năm cuối của thập kỷ 1990 khi một số thiết bị được đưa ra thị trường. Những thiết bị này cho phép người sử dụng có thể tải các văn bản từ Internet và đọc chúng qua một thiết bị hiển thị di động cầm tay. Sách điện tử loại RCA REB1100 ảnh bên có kích thước gần như một cuốn sách. Có thể sử dụng sách trong thời gian từ 20 đến 40 giờ mới phải sạc pin một lần. Loại e-book này có thể chứa được tối thiểu 8000 trang văn bản và có một modem trong cho phép tải các cuốn sách.

Vào thế kỷ XX, các thiết bị công nghệ như radio, máy vô tuyến truyền hình, phim điện ảnh, băng ghi âm, máy tính điện tử và các thiết bị CD-ROM đã trở thành những phương tiện truyền thông và thách thức sự tồn tại của sách. Mặc dù vậy, nhờ đặc điểm dễ dàng sử dụng và mang theo, sách vẫn là phương tiện chủ yếu để truyền bá tri thức, nhằm mục đích cung cấp kiến thức và giải trí về các kỹ năng và nghệ thuật, lưu giữ các kinh nghiệm, cả trong thực tế và hư cấu. Tuy nhiên, công nghệ đã  có tác động đến ngành công nghiệp sách, bởi vì con người đã tìm ra các phương thức mới để tiếp nhận và phổ biến thông tin mà không cần sử dụng vật liệu giấy.

Sách âm thanh (audiobook) được đưa ra thị trường lần đầu tiên vào những năm 1950. Đến những năm 1990, nó đã trở nên hết sức phổ biến và trở thành một bộ phận quan trọng trong ngành công nghiệp xuất bản. Sách nghe là tiếng một người đọc một cuốn sách được ghi lại. Mọi người có thể nghe chúng thông qua băng cassette, đĩa CD hoặc thông qua các chương trình tải về từ Internet. Sách nghe trở nên phổ biến một phần do chúng cho phép con người thưởng thức các cuốn sách vào thời điểm mà họ không thể đọc được, như khi đang lái xe chẳng hạn. Hơn nữa, những người mù hoặc người có thị lực kém có thể sử dụng sách nghe bên cạnh việc đọc sách chữ nổi.

Cuối những năm 1990, một số công ty đã giới thiệu loại sách điện tử, còn gọi là e-book. Các thiết bị tin học này hiển thị văn bản của sách trên một màn hình nhỏ được thiết kế để có thể đọc một cách dễ dàng. Sách điện tử được thiết kế đặc biệt, với trọng lượng nhẹ, cho phép dễ dàng mang theo. Nhiều loại sách điện tử còn có thêm một chiếc bút công nghệ cao để người đọc có thể đánh dấu hoặc ghi chép lên văn bản. Những người kinh doanh sách và các nhà xuất bản bán sách điện tử qua mạng Internet dưới dạng các tệp máy tính. Người đọc đặt mua, sau đó tải văn bản xuống máy tính cá nhân hoặc tải trực tiếp vào một thiết bị sách điện tử. Sách điện tử có thể chứa được khối lượng thông tin tương đương với mười cuốn sách giấy thông thường hoặc nhiều hơn thế. Ngoài ra, sách điện tử cũng có một số ưu điểm chủ yếu của sách giấy như dễ mang theo và cho phép đánh dấu trên sách. Nhiều người tin rằng khi sách điện tử được phát triển hơn nữa vào đầu thế kỷ XXI, chúng sẽ thách thức sự tồn tại của sách giấy theo cách mà công nghệ của thế kỷ XX không làm được.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Tìm kiếm sản phẩm
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay405
  • Tháng hiện tại9,842
  • Tổng lượt truy cập574,943
Bản đồ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây